Từ khoảng 100 năm nay, có ba dòng người Hà Nội di dân vào Sài Gòn trong 3 giai đoạn: trước 1954, năm 1954 và sau 1975. Họ sống rải rác ở hầu hết các quận của TP.HCM, nhưng tập trung nhiều nhất là ở quận 1, quận 3 và quận Tân Bình. Trong đó, khu dân cư K300, khu phố 4, phường 12, quận Tân Bình được xem là một “lát cắt” của Hà Nội ở vùng đất phương Nam này. Không tiếng nhạc xập xình, không quán xá ồn ào, khu dân cư là một Hà Nội tĩnh lặng, trầm mặc với những mái nhà mang kiến trúc cổ, những tiếng nhạc dân ca, ca trù êm dịu, cùng những quán hàng xén nhỏ xinh.

Popular Releases by Vũ Thanh Vân

TP - Có nhiều người thường hỏi tôi: “Người Hà Nội vào Sài Gòn giờ ra sao?”. Thật khó trả lời, vì dân Hà Nội đến xứ này đã hàng trăm năm, qua bao nhiêu thế hệ, mỗi thời một khác. Chỉ riêng có nỗi nhớ Hà Nội là vẫn vẹn nguyên.

Những người được gọi là dân Hà Nội vào Nam thì không hẳn là người gốc Hà Nội (mà tìm đâu cho ra người gốc Hà Nội? Dân Hà Nội cũng từ các tỉnh tới lập nghiệp mấy đời là nhiều). Những người ở phố hàng cũng có, người từng làm việc tại Hà Nội cũng có, những người vùng lân cận Hà Nội… họ cũng được người Sài Gòn gọi chung là người Hà Nội. Đôi khi “cô em Bắc Kỳ” cũng được hiểu là “cô gái Hà Nội”, hay tấm “Áo lụa Hà Đông” cũng tượng trưng cho Hà Nội.

Ở quận 4 có một xóm làm nhạc cụ, chủ yếu làm đàn ghi ta. Họ hành nghề từ thời Pháp đến giờ. Rất nhiều người nghĩ rằng đó là đàn Sài Gòn, đàn miền Nam. Nhưng khi tôi tới gặp các nghệ nhân ở quận 4 nổi tiếng trong ngành đàn, họ nói với tôi: “Chúng tôi dân gốc Bắc. Thời Pháp làm đàn ở Hà Nội, cho chủ người Tây. Khi chủ vào Nam, chúng tôi vào theo, từ đó mà lập nghiệp chốn này”. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường tìm tới tận xóm làm đàn để đặt cho mình những cây đàn ưng ý. Có khi ông còn đặt làm để tặng cho bạn bè của ông nữa.

Có người vào Sài Gòn làm công nhân, cũng có người vào làm kỹ sư. Thi sĩ Huyền Chi kể: “Bố tôi làm giám đốc hỏa xa 3 tỉnh, ông tên Hồ Văn Ánh. Do công việc duy trì đường hỏa xa, ông đi từ Bắc vào Nam. Đi tỉnh này mấy năm, qua tỉnh khác mấy năm. Sinh tôi ở Sài Gòn mà gia đình thì ở Phan Thiết. Ông cụ yêu thơ nên đặt tên các con là Nghiên, Thư. Đến cô con gái nhỏ này ông đặt tên là Hồ Thị Ngọc Bút. Khi làm thơ, tôi lấy bút danh Huyền Chi”.

Nhà thơ Huyền Chi với hai tác phẩm: “Thuyền viễn xứ” và “Đất Bắc”. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Đất nước gặp cảnh chiến tranh, bố cô Huyền Chi ra Bắc chăm mẹ già, rồi gọi vợ ra cùng. Cô Huyền Chi ở lại Sài Gòn, không bao giờ còn thấy mặt mẹ cha. Cảm xúc cảnh chia ly mà Huyền Chi viết những câu thơ được Phạm Duy phổ nhạc, dân Sài Gòn ai cũng thuộc: “Lơ - thơ rớt nhẹ men lòng/ Mây trời pha dáng lụa hồng giăng ngang/ Có thuyền viễn xứ Đà - Giang/ Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa” (Thuyền viễn xứ).

Những người Bắc, người Hà Nội vào Nam nhiều nhất là những người dân di cư.

Tôi tìm gặp Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban bác ái xã hội trực thuộc hội đồng Giám mục Việt Nam, nghe ông kể về cuộc di cư khổng lồ năm 1954. Linh mục nói với tôi:  “Theo số liệu thì năm 1954 có khoảng 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam và khoảng 80% số họ là người công giáo. Chúng ta nhớ lại rằng trước thời điểm 1954 người công giáo chủ yếu sống ở miền Bắc. Trong đoàn quân Nam tiến thời chống Pháp, nhiều giáo dân đã theo Vệ quốc Đoàn vào Nam nhưng số lượng không nhiều. Đến năm 1954 mới có cuộc di dân lớn như vậy. Điều này làm thay đổi lịch sử công giáo Việt Nam, vì hiện nay cả nước có hơn 6 triệu giáo dân thì ở miền Nam chiếm 4 triệu người”.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn vẫn giữ nếp của người truyền đạo khi xưa, tự chăm lo sức khỏe cho bản thân và giáo dân. Ông rất thông thạo về nghề thuốc. Nơi ở của ông có rất nhiều loại thuốc cũng như sách vở chữa trị các bệnh thông thường. Căn phòng ông như một thư viện với các giá sách che hết cả lối đi.

Có một cái lệ bất thành văn, đó là các ca sĩ phòng trà tại Sài Gòn trước đây và cho đến tận bây giờ vẫn hát bằng giọng Bắc chuẩn. Khi đi xem ca nhạc phòng trà, một đặc sản của thành phố phương Nam, người ta chỉ nghe các ca sĩ hát bằng chất giọng Hà Nội. Đó là khi di cư, các nghệ sĩ phòng trà ở Hà Nội đã đem văn hóa nhạc phòng trà từ Hà Nội vào Nam.

Một trong những giọng ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn chính là Khánh Ly, một người theo đạo Công Giáo. Bố chị vốn sinh hoạt văn nghệ với những người như Phạm Duy ở ngoài Bắc. Vào Nam rất nhiều năm, Khánh Ly trở lại Hà Nội và biểu diễn trong chính ngày giỗ mẹ mình bằng thứ tiếng Hà Nội những năm 1950. Tôi đặt chị viết bài báo Tết, chị nhắn hỏi: “Báo em ở đâu?”. Tôi bảo báo ở Hà Nội, thế là 2 ngày sau tôi nhận được bài.

Thỉnh thoảng, tôi lại gặp các ca sĩ trẻ Hà Nội vào TPHCM hát ở các phòng trà. Hầu như họ không gặp nhiều khó khăn, vì không ít phòng trà, từ người chủ, nhạc công, đến các ca sĩ, nghệ sĩ đều nói giọng Hà Nội. Họ hòa nhập với nhau rất nhanh. Sau các buổi diễn, họ đi ăn bún chả, phở (có thêm giá) hoặc ăn ốc đêm (Hà Nội có món ốc Hồ Tây).

Những nghệ sĩ kỳ cựu từ Hà Nội vào, có thể kể tới Phạm Duy và những người bạn của ông. Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói với tôi: “Những năm 1970, tôi tu ở chùa, nhưng Phạm Duy cùng Nguyễn Đức Quỳnh và nhiều anh em văn nghệ ngoài Bắc vào vẫn thường tới tìm tôi, rủ tôi đi ăn cơm chay nữa. Phạm Duy bảo tôi viết lời để ông ấy phổ nhạc, nên tôi viết một mạch 10 bài đạo ca”.

Phạm Thiên Thư cũng là người gốc Bắc, ông vào Nam cùng mẹ (là một lang y thường bốc thuốc Nam cho anh em văn nghệ). Phạm Thiên Thư viết “Đoạn trường vô thanh” năm 1972 rất nổi tiếng, dựa vào cảm xúc đất nước bị chia cắt và khát khao thống nhất. Mỗi lần trò chuyện, ông lại bảo: “Tôi vốn quê ngoài Bắc, vào Nam khi còn là một cậu bé…”.

Người ta thường nói tới bộ ba nhạc sĩ Hà Nội gốc thành danh tại TPHCM sau năm 1975, đó là Trần Tiến, Phú Quang, Dương Thụ. Khi còn ở Hà Nội, đôi khi tôi gặp anh Trần Tiến ra thăm nhà, anh thường trọ ở gần ga Hàng Cỏ. Khi tôi vào TPHCM làm việc, thường gặp anh Dương Thụ. Anh Thụ có vợ cùng làm cơ quan  cũ với tôi, thường trú tại TPHCM. Chúng tôi gọi là cơ quan B2. Có những đêm mấy anh em đi ăn ốc trời sáng bạch mới về. Chuyện không gì ngoài thơ phú, nhạc.

Nhạc sĩ Dương Thụ tại nhà riêng ở TPHCM Ảnh: Trần Nguyên Anh

Anh Dương Thụ kể: “Hồi anh mới vào Sài Gòn, cuộc sống vất vả quá, chẳng biết bao giờ mới về được Hà Nội, anh mới viết bài hát Mong về Hà Nội đấy. Ngọc Tân hát bài ấy hay”.

Bài Mong về Hà Nội của Dương Thụ có những câu nghe xé lòng như: “Tôi mong về Hà nội/ Để nghe gió sông Hồng thổi/ Để thương áo lên cài vội/ Một chiều đông rét mướt…”.

Anh Dương Thụ nhớ đất Bắc mãi chẳng nguôi ngoai. Anh đang sống ở TPHCM nhưng dồn tiền mua một ngôi nhà cũ ngoài Bắc Ninh, cứ xuân đến là anh lại khăn gói ra ngoài ấy để nấu bánh chưng, sắm câu đối Tết.

Những người Bắc ở lại TPHCM sau năm 1975, có rất nhiều người là bộ đội.

Cách đây mấy năm, tôi đi viết bài, tới phường 12 quận Tân Bình, mọi người bảo: “Chúng tôi gần sân bay, nhiều đơn vị bộ đội, nên phường tôi chẳng khác gì một đơn vị toàn người về hưu”. Lúc cao điểm, phường có 20 tướng, 160 tá hưởng lương hưu, đủ mọi loại binh chủng, 1.500 sĩ quan cấp úy. Hai khu K200 và K300 đều là bộ đội được cấp đất làm nhà. Phường có hơn 1.000 đảng viên. Trong số các cựu chiến binh tại phường 12, nhiều người từng được gặp Bác Hồ. Trong nhiều gia đình tại khu K.200, K.300, người ta thấy có bàn thờ Bác Hồ.

Giới chơi nhạc rock TPHCM thường biết đến nghệ danh một chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ hát rất bốc lửa là “Trần Toàn K.300”. Trần Toàn nói với tôi: “Em lấy biệt danh Trần Toàn K300 khi em sống ở chung cư tại khu K.300. Em còn lập ban nhạc có tên K.300 band”.

Một bài hát của Trần Toàn K.300 tên: “Hai người lính”, có đoạn: “Một ngày bình yên mây trắng bay - Người lính Việt Minh già Ngắm dạo phố phường lòng rộn ràng - hào hùng bài ca xưa”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Đức thuộc thế hệ lớp nghệ sĩ mới vào TPHCM những năm gần đây. Tôi quen Trần Việt Đức khi còn ở Hà Nội, đây chính là một chàng trai phố cổ rất mê chụp ảnh những Hàng Gai, Hàng Đào. Thật bất ngờ, một ngày tôi gặp Trần Việt Đức vác máy săn ảnh bên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè.

“Ông vào đây rồi hả?”. Tôi hỏi. Trần Việt Đức bảo: “Nhà phố cổ Hà Nội vẫn còn, đóng cửa để đấy, ôm máy ảnh vào đây được mấy năm rồi”. Công việc của Trần Việt Đức, hết sức nghệ sĩ, hết sức khoa học, ngoài thời gian đón con, anh ta vác máy ảnh chui vào các ngóc ngách của Sài Gòn hôm nay, chụp ảnh không biết chán. Nhiều ngõ ngách quen thân và họ mời Trần Việt Đức ngồi lại uống cà phê, xem ảnh anh chụp.

Cách đây hơn một năm, nghệ sĩ ghi ta bass Đào Minh Pha cũng chuyển từ Hà Nội vào giảng dạy nhạc jazz tại Nhạc viện TPHCM. Bạn bè Pha thường nhắn tin hỏi: “Sài Gòn có gì hay không Pha?”, anh chàng nghệ sĩ này trả lời: “Bắt đầu khám phá”.

Nghệ sĩ đến từ Hà Nội, Đào Minh Pha đang giới thiệu dự án phát triển cộng đồng nhạc jazz tại TPHCM Ảnh: Trần Nguyên Anh

Đào Minh Pha và Hồ Đắc Anh Thi cùng bạn bè của mình đã sáng lập Câu lạc bộ Sài Gòn Jazz Club để phát triển nhạc jazz trong giới trẻ TPHCM.

Đào Minh Pha cũng mở một lớp dạy nhạc jazz miễn phí cho các trẻ em khiếm thị tại các mái ấm. Người nghệ sĩ này nhận ra rằng bên ngoài sự hào nhoáng vẫn còn rất nhiều thân phận bần hàn. Nơi đây, có những đứa trẻ không nhà không cửa, nhưng vẫn đêm đêm mơ về âm nhạc.

Tôi còn nhớ, khi hòa bình thống nhất, người làng tôi đều mong mỏi các chú các anh về nhà. Chúng tôi ngây thơ nghĩ rằng tất cả các anh sẽ về làng. Hóa ra không phải. Nhiều người vì công tác và vì các lý do khác nên ở lại Nam.

“Nhiều người Hà Nội vào TPHCM với suy nghĩ đất này khí hậu tốt, môi trường tốt, dễ làm ăn. Ý là vào để hưởng thụ, kiếm chác. Nhưng cũng có người vào Sài Gòn chỉ vì yêu thích Sài Gòn, muốn làm điều gì đó cho thành phố này”. Đào Minh Pha

Nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, trong khi đó Thái Lan đã cực kỳ thành công với BACC Bangkok hay Nhật Bản với Mori art museum Tokyo. Thế nhưng gần đây giới trẻ Việt đã có cơ hội tiếp cận gần gũi hơn với các buổi trình diễn ở 4 không gian nghệ thuật nổi bật của Hà Nội và Sài Gòn. Mỗi địa điểm đều được thiết kế rất bắt mắt và luôn đem đến nhiều triển lãm mới lạ cho người xem. 2/9 đang rảnh rỗi, lưu ngay lại để có chỗ mà đi chụp tí ảnh sống ảo nhé!